logo
TỪ BÀI GIẢNG ĐẾN CUỘC SỐNG: HÀNH TRÌNH “SỐNG THẬT, LÀM THẬT” CỦA CÔ HỒ KIỀU OANH
TỪ BÀI GIẢNG ĐẾN CUỘC SỐNG: HÀNH TRÌNH “SỐNG THẬT, LÀM THẬT” CỦA CÔ HỒ KIỀU OANH
Tác giảVũ Tuấn

Giữa hai vai trò tưởng chừng chẳng liên quan – một giáo viên dạy kỹ năng mềm và hướng nghiệp - với một người sáng lập Hợp tác xã nông sản – cô Hồ Kiều Oanh (FPT School Bắc Giang) đã tự viết nên câu chuyện riêng của mình: câu chuyện về tình yêu với quê hương, với giáo dục, và với trái vải thiều Lục Ngạn.

Từ mâm cơm cho con đến khát vọng vì quê hương

Bước ngoặt đến với cô Oanh từ một khoảnh khắc rất đời thường: tìm kiếm thực phẩm sạch để nấu ăn dặm cho con. Từ năm 2015, khi trở thành mẹ, cô bắt đầu dấn thân vào hành trình tìm hiểu về nông nghiệp sạch – và càng đi sâu, cô càng nhận ra một niềm đam mê âm ỉ trong mình.

Là người con của vùng đất Lục Ngạn – thủ phủ vải thiều của cả nước – cô Oanh sớm mang trong lòng nỗi ám ảnh của một mùa vải rớt giá thảm hại. "Có những ngày Mẹ mình chở vải ra chợ bán từ sáng tới trưa vẫn không có người mua. Mẹ suýt ngất ngoài đường vì nắng, và mình – một đứa trẻ – chỉ biết sợ, biết buồn, rồi không thể quên hình ảnh đó."

Chính vì thế, khi quyết định khởi nghiệp, cô không chọn con đường dễ dàng. Cô chọn bắt đầu từ chính mảnh đất quê hương, với những sản phẩm đặc sản mà cô tin rằng nếu được làm đúng cách, sẽ có thể đi rất xa: vải thiều và mì Chũ.

Vải thiều và bài học phát triển cá nhân

Cùng các cộng sự thành lập Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh, cô Oanh đặt mục tiêu rõ ràng: không chỉ trồng theo quy trình an toàn, mà còn tổ chức thu hái tại vườn, để người dân không còn phải “mang vải ra đường bán” như ngày xưa. Từ đó, cô và cộng sự từng bước đưa trái vải vào các thị trường khó tính, xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn theo hướng hiện đại, chất lượng, và bền vững.

Thế nhưng, hành trình khởi nghiệp không làm cô rời xa bục giảng. Trái lại, chính những bài học từ thực tế giúp cô dạy môn Phát triển cá nhân (PDP) một cách sống động và gần gũi hơn với học sinh.

“Tôi hay hỏi các bạn học sinh: ‘Theo bạn, sản lượng vải thiều của tỉnh mình là bao nhiêu?’ – và gần như tất cả đều đoán sai. Các em không tưởng tượng được con số lên tới gần 200.000 tấn. Qua những câu chuyện thật, tôi mong các bạn hiểu rằng: những giá trị ở quê hương mình không hề nhỏ bé – chỉ là chúng chưa được khai phá đúng cách.”

“Mỗi người đều có một điểm mạnh riêng”

Giữa việc giảng dạy và vận hành hợp tác xã, cô Oanh vẫn duy trì sự cân bằng nhờ hai nguyên tắc: quản lý thời gian hiệu quả, và biết phân quyền, chia sẻ trách nhiệm. Cô tin rằng đó cũng là kỹ năng thiết yếu mà học sinh cần học từ sớm – để sẵn sàng đối mặt với cuộc sống sau này.

Với cô Oanh, môn PDP không chỉ là môn học, mà là hành trình giúp học sinh khám phá bản thân và định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Thông điệp cô luôn gửi gắm là:

“Hãy tìm ra điểm mạnh của mình. Hãy chọn ngành nghề mình yêu, xã hội cần và bản thân làm tốt nhất.”

Khởi nghiệp – không phải để kiếm tiền

Một trong những triết lý sống mà cô Oanh tâm đắc nhất, cũng là điều cô luôn nhấn mạnh với học sinh: “Khi khởi nghiệp, đừng đặt mục tiêu là kiếm tiền lên hàng đầu, mà hãy tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó cho xã hội.”

Với cô, điều đó không chỉ đúng trong kinh doanh, mà còn đúng cả trong dạy học – khi mỗi bài giảng đều cần xuất phát từ nhu cầu, trải nghiệm và khát vọng thực sự của học sinh.

“Không chỉ mở cửa – mà trải chiếu hoa đón các em”

Trong thời gian tới, Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh của cô Oanh đặt mục tiêu ba hướng: mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ vải, và phát triển chuỗi trải nghiệm nông nghiệp – du lịch cộng đồng tại Lục Ngạn.

Khi được hỏi nếu học trò muốn khởi nghiệp cùng quả vải Lục Ngạn thì sao, cô Oanh không ngần ngại:

“Không chỉ mở cửa – mà trải chiếu hoa chào đón! Người trẻ chính là mảnh ghép còn thiếu để nông nghiệp truyền thống có thể chuyển mình hiện đại hơn, thông minh hơn.”

Và lời nhắn cô dành cho thế hệ học trò quê hương cũng giản dị mà sâu sắc:

“Đôi khi, điều đáng tự hào không nằm ở việc đi thật xa, mà là khi ta có thể mang kiến thức, kỹ năng và trái tim trẻ để thổi luồng sinh khí mới vào mảnh đất mình đã lớn lên.”